CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Chia sẻ tại hội thảo mới đây, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, ít nhất từ nay đến tháng 6 năm sau không phải thời cho đầu cơ BĐS.

Vị chuyên gia này cho rằng sự dịch chuyển dự án, dòng vốn sang thị trường các tỉnh chắc chắn sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Trong đó có 4 yếu tố (phải xếp theo thứ tự) khi muốn đầu tư vào BĐS tỉnh. 

Thứ nhất, phải xem khu vực đó tiềm năng kết nối đến đâu. Thứ hai, sự quyết liệt của chính quyền địa phương; thứ ba, có nhà đầu tư đầu đàn nhảy vào đầu tư và cuối cùng mới đến tiềm năng của tỉnh đó.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra những điểm lạc quan của nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng. Cụ thể, những bước đi tiếp theo của Chính phủ là tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ cùng các biện pháp bổ sung như kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí, giảm thuế, phí cùng hỗ trợ một số công ty và tập đoàn lớn. Xem xét "gói" kích thích, hỗ trợ lần 2 với quy mô đủ lớn, cả về diện và điểm cũng như cả năm 2021 gắn với tái cấu trúc và xu thế, nước ta vẫn còn nguồn lực để thực hiện.

Về thị trường BĐS, theo TS.Võ Trí Thành nhiều phân khúc có tiềm năng lớn, mặc dù thị trường năm 2019 và 2020 "trầm" hơn, nguồn cung tại cả Tp.HCM và Hà Nội hạn chế, trong khi đó giá nhà lại tăng cao. Phân khúc condotel, officetel cũng trầm lặng; thị trường BĐS có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh. Riêng BĐS công nghiệp vẫn luôn được các nhà đầu tư quan tâm và thêm dư địa phát triển

Tuy vậy, thị trường vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và điểm nghẽn ở quy hoạch và pháp lý; trình tự và thủ tục được kiểm soát chặt chẽ hơn nhất là trong cấp phép và tạm dừng dự án; ở việc tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai (Giấy phép mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất…); thông tin (tính đầy đủ và minh bạch); xử lý tranh chấp…

"Đây là thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ; cẩn trọng với đòn bẩy tài chính, mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn; kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh, địa phương; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn", Ts. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.

Theo nhận định của một doanh nghiệp BĐS, việc đầu tư ra thị trường mới nổi vùng ven vừa qua nổi lên nhưng thực tế chỉ chiếm một phần trong cấu trúc đầu tư BĐS. Lý do là các BĐS tỉnh vùng ven đều có khối lượng giao dịch thị trường hạn chế, vì thời gian vừa qua, phần tích lũy của nhiều năm sẽ đầu tư vào thị trường này, việc đầu tư chung cư tại các nội đô không còn hấp dẫn, nên một số chủ đầu tư đi bước đi về tỉnh lẻ. Trong tình hình diễn biến kinh tế, xã hội còn đang cầm chừng vì dịch thì sự đầu tư này chỉ là ngắn hạn.

Dưới góc nhìn tài chính, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng đưa ra các lời khuyên cho NĐT muốn tham gia vào thị trường BĐS thời điểm này.

Đầu tiên, vẫn là yếu tố vĩ mô, môi trường kinh doanh, xu thế phát triển, quy hoạch phát triển có thuận lợi, hỗ trợ cho thị trường BĐS nói chung hay phân khúc cụ thể nào không. NĐT cần quan tâm đến các yếu tố này trước tiên.

Thứ hai là dòng tiền hay dòng vốn đầu tư trong đó có tín dụng, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, có phản ứng tích cực với thị trường BĐS không, quy mô giao dịch thị trường đang ổn định hay diễn biến tiêu cực. Đồng thời, quan sát, so sánh sơ bộ về mức độ sinh lời (mức độ rủi ro) của các kênh đầu tư khác

Thứ ba là cần xem xét kỹ lưỡng các tiêu chí đánh giá dự án BĐS như uy tín chủ đầu tư, tính pháp lý dự án, vị trí, quy hoạch, cơ sở hạ tầng sau đó mới đến xem xét giá trị hợp lý của dự án, tiềm năng tăng giá, dòng tiền tài chính dự án và năng lực tài chính cá nhân cũng như khả năng giám sát quản lý tài sản trong tương lai. Cuối cùng là tính toán phương án dự phòng, phương án thoái lui khi thị trường biến động rủi ro để đảm bảo an toàn tài chính cá nhân và gia đình trong tương lai.

Theo Trí thức trẻ